THAM QUAN MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI

Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt

Xẻo Quýt được biết đến là căn cứ cách mạng của tỉnh Đồng Tháp vào giai đoạn từ năm 1960 đến 1975. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nơi đây đã chứng kiến không ít các trận bom mìn dữ dội cũng như tinh thần yêu nước hào hùng của nhân dân ta. 

Tới Xẻo Quýt bạn sẽ được tham quan rừng tràm ngập mặn rộng hơn 20 hecta và có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu của quân dân Đồng Tháp thông qua các căn cứ cách mạng xưa còn nguyên vẹn. 

Vào mùa nước nổi, đến Xẻo Quýt chắc chắn bạn sẽ “phải lòng” ngay cảnh sắc thiên nhiên nơi đây – một bức tranh thiên nhiên êm ả nổi bật với hồ súng nia mang vẻ đẹp tràn đầy sức sống, những chùm dây leo bòng bong đan vào nhau duyên dáng. Và hơn hết là bạn sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã đậm chất tình người miền Tây khó quên.

Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười

Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, lại thêm nguồn phù sa được bồi tụ hàng năm bởi dòng nước lũ nên sen ở Tháp Mười rất tươi tốt và hoa nở rất đẹp. Đến và ngắm nhìn sắc sen ở khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười, bạn sẽ quên đi mọi ưu phiền, căng thẳng trong công việc của cuộc sống. Đặc biệt tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất từ sen khi mùa nước nổi về như hái sen, câu cá, làm nông dân… hay có thể mượn áo dài, áo bà ba, nón lá để thỏa sức sáng tạo và lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên cánh sen cùng bạn bè, người thân và thưởng thức những món ăn hấp dẫn gắn liền với sen.

Chùa Kiến An Cung

Kiến An Cung được biết đến là ngôi chùa có niên đại gần trăm năm, trải qua bao lớp bụi thời gian, ngôi chùa trông vẫn bề thế và nét vẽ vẫn không phai mờ. Nhờ lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho ngôi chùa. Vào ngày 27 tháng 4 năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có quyết định xếp hạng công nhận chùa Kiến An Cung là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Chùa có diện tích trên 1.000m2, toàn bộ ngôi chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ. Mái ngói chùa Kiến An Cung được làm rất công phu, gồm 3 lớp: mặt trên là ngói, mặt giữa là gạch, dưới cùng là ngói, lợp theo gợn sóng giống vảy rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ đặt tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Trước cửa chánh điện chùa Kiến An Cung có hai con kỳ lân bằng đá xanh, miệng ngậm trái châu, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Hai bên phải, trái là hai vị thần biểu hiện cho cái Thiện và cái Ác. 

Trên vách tường bên ngoài chánh điện còn có những hình ảnh trích trong truyện Trung Quốc như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Thần… Các bức tranh này nhằm giáo dục con người về lánh dữ làm lành… Bước vào bên trong chùa Kiến An Cung là sân lộ thiên nhỏ để dành làm chỗ cho người dân địa phương hoặc du khách đến cúng tế theo cổ tục. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm. 

Ngoài giá trị văn hóa vật thể, chùa Kiến An Cung còn mang giá trị văn hóa phi vật thể. Hàng năm, chùa thực hiện hai kỳ cúng tế quan trọng. Ngày 22 tháng 2 âm lịch là ngày vía sinh nhật của Quảng Trạch Tôn Vương. Ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày vía Quảng Trạch Tôn Vương thành đạo. Trong hai ngày lễ vía này, chùa Kiến An Cung thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về tham quan, chiêm bái.

Nhà Cổ Huỳnh Thủy Lê

Cổ Huỳnh Thủy Lê là một ngôi nhà của một bá hộ ở Sa Đéc xưa, sở hữu kiến trúc “Đông Tây kết hợp” khá lạ mắt và là một trong những kiểu nhà điển hình của giới địa chủ phong kiến miền Tây thời Pháp thuộc. 

Đến đây ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo này, bạn còn được tìm hiểu chuyện tình lãng mạn của chủ nhân và nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras, tác giả cuốn tiểu thuyết “Người Tình” (L’Amant), một tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim.

Cầu Vàm Cống

Cây cầu được thiết kế dạng dây văng bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Bộ Giao thông Vận tải đánh giá công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37.5m. Trụ tháp cao 143.9m. Đây cũng là cầu dây văng dầm thép có nhịp dài, hiện đại nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Ngoài những lợi ít về giao thông và kinh tế, với thiết kế đẹp và góc nhìn ra sông hậu cực kỳ thú vị, cầu Vàm Cống còn là địa điểm check in “sống ảo” hot nhất khu vực miền Tây trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm...