Bổ Đà là ngôi chùa cổ linh thiêng có từ thời Lý, thể kỷ XII nằm trên núi Bổ Đà, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, vừa được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Trung bình, mỗi ngày có 200 – 300 du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến làm lễ chiêm bái, vãn cảnh chùa.
Đường đến chùa Bổ Đà tưởng ca mà gần
Nghe địa chỉ ở tận tỉnh Bắc Giang, tưởng xa xôi, nhưng không ngờ từ Hà Nội đi chùa Bổ Đà thật gần. Qua cầu Nhật Tân, đi hết Nội Bài là đã đến huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh. Từ đây, men theo bờ đê sông Cầu, xuống bến đồ Gầm, sang sông đã nhìn thấy dãy núi Bổ Đà. Bổ Đà Sơn là dãy núi nhỏ chỉ dài chừng 2.000m, tọa lạc phía Bắc sông Cầu. Qua làng Tiên Lát Hạ, chạm vào khu rừng cây cổ thụ xanh ngút ngát, lộ ra chiếc cổng nhỏ, cũ kỹ phủ đầy rêu phong ẩn dưới tán cây rậm rạp. Đó chính là cổng vào chùa Bổ Đà. Con đường nhỏ dẫn từ cổng thứ nhất vào cổng như bước dẫn du khách vào miền cổ tích, nhờ hai bờ tường đất phủ đầy rêu.
Giữ được nét kiến trúc cổ nguyên bản
Chùa Bổ Đà có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh đặc sắc, nằm trên diện tích hơn 50.000m2, trong đó có khu chùa chính (Tứ Âm tự) cùng 2 đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương.
Kiến trúc chùa Bổ Đà cũng khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc. Chùa chính tuy cũng có bình đồ hình vuông với gần một trăm gian liên hoàn, nhưng không phải kiểu “nội công ngoại quốc” mà là “nội thông ngoại bế”. Nối hai bên từ thượng điện xuống nhà Tổ không phải hai dãy hành lang hở bày hệ thống tượng La-hán như thường thấy, mà là các gian nhà kín liên tiếp nhau. Đứng ở bất kỳ góc sân nào, nhìn lên cũng thấy lô nhô hàng chục mái ngói cao thấp của rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như gỗ, gạch nung, ngói, tiểu sành.. Bao quanh chùa chính là lớp trình tường đất hình vuông, ngăn cách với khu nhà Tăng, nhà khách, gác kinh, gác chuông, gác trống…Lối đi từ khu nhà này sang khu nhà khác đều có những cổng cổ, khiến ta cảm giác chùa rất đồ sộ.
Uy nghi bức tường thành cổ
Đẹp đến độ “buốt mắt”, chính là những bức tường cổ xưa bằng đất, cao hơn 1.5m, dày 0.5m được làm cách đây gần 300 năm bao quanh thành nhiều lớp trong khuôn viên chùa, khiến cho ta có cảm giác được đi vào một “cấm thành”. Tuy bằng đất, nhưng chạm tay vào thấy mặt tường không bở, mà rắn như đá. Nghe kể, người xưa dùng đất sỏi son ở núi Bổ Đà đem trộn với rơm rạ, cho vào khuôn gỗ dày giã nhuyễn tới khi khô thì dỡ khuôn. Từng lớp đất được trồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành những khối tường cao vững chắc.
Trải qua hàng trăm năm, những lớp tường đất vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” cây cỏ rêu xanh mọc bám đầy càng tô thêm sự cổ kính, tưởng đến đá, đồng cũng khó bền lâu được đến thế.
Lưu giữ nhiều tài liệu quý giá
Chùa Bổ Đà lưu giữ 2 kỷ lục của Phật giáo: Chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam và Bộ mộc bản ván in kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Vườn tháp chùa Bổ Đà có hơn 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ, lưu giữ xá lợi, tro của hơn 1.200 nhà sư tu hành qua nhiều thời kỳ. Tại chùa Bổ Đà còn rất nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, ngoài hệ thống Phật theo thiền phái Trúc Lâm còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, phương án… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bộ Kinh Phật cổ nhất Việt Nam (khoảng 300 năm) được khắc trên 2.000 tấm gỗ thị vẫn còn nguyên vẹn.
Lễ hội chùa Bổ Đà thu hút du khách
Gắn với ngôi chùa cổ kính này là lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng 2 âm lịch hàng năm, tạo nên không gian văn hóa, tâm linh nơi cửa Phật thêm phong phú. Điểm nhấn của lễ hội chùa Bổ Đà là chương trình hát quan họ giao duyên giữa liền anh, liền chị đền từ các thôn làng trong vùng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh của ngôi chùa cổ cùng phong cảnh thiên nhiên ưu ái ban tặng, chùa Bổ Đà ngày càng thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách bốn phương vào dịp đầu năm mới.