Trên thế giới có rất nhiều tuyệt phẩm độc đáo đến từ tự nhiên, trong đó có các hồ nước mang những đặc điểm vô cùng kỳ lạ thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch.
Hồ sứa, Cộng Hòa Palau
Sứa thường gây nhiều phiền toái cho người tắm biển nhưng những du khách tới hồ sứa ở Cộng Hòa Palau lại rất thích thú với loài động vật này. Sứa sống trong hồ có đủ mọi kích cỡ, từ đồng xu cho tới quả bóng đá. Do chúng hoàn toàn không có kẻ thù tự nhiên nên số lượng sứa ở hồ rất lớn và hiền lành. Du khách tới đây có thể lặn cùng loài sinh vật này.
Hồ nước sôi (Boiling Lake)
Hồ nước sôi nằm trên miệng của một ngọn núi lửa ở vườn quốc gia Morne Trois Pitons, Dominica. Vì thế, nước của hồ luôn trong tình trạng “sôi sùng sục” với nhiệt độ dao động từ 70-90 độ C.
Hồ Baikal, Nga
Hồ Baikal còn được gọi là biển hồ thiêng, nằm ở phía Nam Siberi, thuộc Nga. Hồ nước này được hình thành từ cách đây khoảng 25 – 30 triệu năm. Với độ sâu 1.642 mét, Baikal được coi là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới, đồng thời là hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm xấp xỉ 20% trữ lượng nước ngọt trên Trái đất. Nước ở hồ Baikal vô địch về sự tinh khiết, làn nước hồ trong suốt đến độ có thể thấy rõ những viên đá cuội hay sinh vật dưới lòng hồ ở độ sâu 40m. Thậm chí, khi nước hồ đóng băng vào mùa đông, người ta cũng có thể nhìn xuyên xuống đáy hồ.
Hồ Hillier, Australia
Nước màu hồng là đặc trưng của hồ Hillier ở Australia. Màu nước này duy trì ngày đêm và thậm chí vẫn được màu khi được đóng vào chai. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến nước hồ có màu sắc đặc biệt như này.
Hồ siêu mặn Don Juan Pond, Antarctica
Hồ Don Juan Pond hay còn gọi là hồ Don Juan là hồ mặn nhất trên thế giới, với hàm lượng muối cao hơn 40%, gấp 8 lần so với độ mặn ở biển Chết và gấp 18 lần so với độ mặn trong các đại dương.
Được phát hiện ra năm 1961, hồ nhỏ này tọa lạc tại Victoria Land, Nam Cực, với chiều dài lên tới 300 mét và rộng là 100 mét. Hồ Don rất nông, nơi sâu nhất khoảng từ 10-30 cm. Bởi nồng độ muối ở đây rất cao nên hồ này không bao giờ đóng băng, mặc dù nó nằm ở Nam Cực