Chùa Bồ Đề
Là một phần trong chuỗi những di tích lịch sử của tỉnh Vĩnh Long, chùa Bồ Đề mang trên mình một nét cổ kính riêng biệt không lẫn vào đâu được khi nhìn từ trên cao, ngôi chùa trong như một hình búp ẩn hiện giữa mà xanh của cây cối. Năm 2003, chùa Bồ Đề được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Chùa đã dành ra một khoảng trong khuôn viên để tưởng niệm những nạn nhân của vụ sập cầu Cần Thơ.
Chùa được xây dựng từ giữa thế kỉ XX và là một chứng tích lịch sử đi cùng với nhân dân qua những năm tháng chiến tranh gian khổ. Nơi che chở cho quân ta và đóng góp không nhỏ cho phong tráo kháng chiến Tương truyền khoảng những năm 30, một thầy thuốc xuất hiện ở đây, chữa bệnh và giảng giải cho bà con nghe về những câu chuyện, những bài học khơi gợi tình yêu quê hương đất nước. Sau đó ông đã quy y tại chùa với pháp danh Nhật Quang.
Chùa Hạnh Phúc Tăng (Sanghamangala)
Được xây dựng từ năm 632, Hạnh Phúc Tăng là ngôi chùa có niên đại lâu đời nhất trong số các chùa Khơ-me ở Vĩnh Long. Ban đầu chùa được dựng bằng cây là đơn sơ do các sư thầy đến đây tu hành. Trước khi các sư thầy đến, đây là khu vực thường xuyên xuất hiện thú dữ nhưng chính sự từ tâm và lòng thành của mình, các sư thầy đã không bị thú dữ tấn công nên có tên gọi là Sanghamangala mang ý nghĩa an vui, hạnh phúc.
Chánh điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa được xây trên nền cao, với tường bê tông kiên cố. phần mái gồm 3 tầng tạo thành góc 45 độ, giữa nóc có đỉnh tháp nhọn được trang trí công phu ở cả 4 mặt. Phía trước chánh điện có tượng Phật ban phước cao 12m. Trong khuôn viên có các sima, giống như các am nhỏ chôn “hòn đá kết giới” bên dưới, phân cách khu vực tu hành. Bên trong chánh điện bày trí tượng Phật lớn là tượng Đức Phật cảm thắng Ma Vương, tượng Phật đi khất thực, tượng Phật thiền định, tượng Phật nhập Niết bàn. Phía sau chánh điện là sala, nơi có bàn thờ Phật quay về hướng đông, nơi các sư hội họp, tiếp khách và tổ chức các nghi lễ. Ngôi chùa ngày nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính ban đầu. Bước đi giữa hai hàng đại thụ trong chùa, bạn sẽ quên đi cái nóng oi bức cùng những muộn phiền của cuộc sống.
Chùa Phù Ly
Trải qua hơn 350 năm chùa Phù Ly đã được trùng tu nhiều lần để duy trì cũng như gìn giữ những nét văn hóa độc đáo từ xa xưa. Tuy chùa nằm khuất sâu bên trong nông thôn nhưng vẫn có rất đông khách du lịch đến đây để tham quan công trình tôn giáo đặc sắc này.
Chùa là một tổ hợp kiến trúc hài hòa giữa Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Mang đến cho khách thưởng lãm một nét cổ kính nhưng cũng không kém phần uy nghiêm. Bên trong chùa là nơi học tập tri thức cho các lớp sư trẻ cũng như những trẻ em trong khu đến học chữ và các môn xã hội. Bên ngoài là khu hỏa thiêu đáp ứng yêu cầu mai táng cho các hộ gia đình gần đó.
Văn Thánh miếu
Được xem như là Quốc Tử Giám của miền Nam, Văn Thánh miếu đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa tri thức của người dân Nam Bộ cũng như những giá trị lịch sử của khu vực. Văn Thánh miếu được xây dựng trong vòng hai năm bởi hai cụ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông và là một trong ba Văn Thánh miếu ở Nam bộ từ thế kỉ 19. Muốn đi vào trong khuôn viên của miếu, du khách phải đi qua cổng tam quan có hai nếp mái được sơn vàng. Bên trên là ba chữ Hán, bên dưới là chữ quốc ngữ đề tên Văn Thánh miễu. Hai bên cột là hai câu đối của Khổng Tử cũng như ca ngợi Văn
Thánh miếu.
Ngoài nơi thờ chính còn có công trình phụ là Văn Xương các hay còn gọi là Tụy Văn lâu. Tầng trên của Tụy Văn lâu đặt bàn thờ của Văn Xương Đế Quân và chứa các loại sách vở, tầng dưới đặt bàn thờ cụ Phan Thanh Giản và Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản và nơi hội họp cho các sĩ phu đến đàm đạo trao đổi. Bên ngoài Tụy Văn lâu còn đặt hai khẩu thần công được tương truyền dùng để bảo vệ thành Vĩnh Long xưa.