Hà Giang – mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc – từ lâu cũng trở thành địa điểm ghé thăm của rất nhiều người. Không chỉ có cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn vào mỗi dịp cuối năm, Hà Giang cò là nơi có rất nhiều món ăn đặc sản lạ lùng thu hút du khách khám phá.
Bánh cuốn chan nước lèo phố cổ Đồng Văn
Nằm ở số 31 đường phố cổ Đồng Văn, quán bánh cuốn bà Hà đã trở thành nơi lui đến thường xuyên của những người dân địa phương và khách du lịch.
Để làm được một đĩa bánh cuốn thơm ngon, bà Hà phải chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu: bột gạo tẻ, xương ống lớn, chả giò (nem), trứng, các loại gia vị… Và để bánh cuốn nóng, thơm, ngon, bà Hà sẽ rắc thêm lá ngò và hành phi lên đĩa bánh cuốn nóng, đây là một điểm rất khác với món bánh cuốn ở đồng bằng vốn chỉ có món hành phi.
Điều đặc biệt nhất của món bánh cuốn này lại nằm ở bát nước lèo. Nếu như món bánh cuốn ở đồng bằng, thành phố lớn thường chấm nước mắm thì bánh cuốn ở đây chấm với nước lèo từ nước hầm xương có bỏ chả giò, hành ngò, tiêu, ớt, dấm chua, măng rừng, càng tăng thêm phần hấp dẫn lạ lùng.
Bánh cuốn bà Hà có 3 loại: bánh cuốn thông thường,bánh cuốn trứng lòng đào cho người lớn và bánh cuốn vàng cho trẻ em.
Rau cay Mèo Vạc
Từ tháng Giêng cho đến đầu tháng 5, thấp thoáng trong khe đá xanh xám hay những mãnh đất nhỏ ven đường, rau cay trổ ngon hoa vàng mơ rực rỡ và lãng mạn. Nhưng với bà con người Nùng, Dao đỏ, H’mong, Lô Lô, Giáy, Xuồng, Tày… ở Mèo Vạc thì rau cay không chỉ để ngắm. Hàng ngày họ lên núi, ra ruộng hái rau cay về ăn, rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua lưỡi hái, mua gạo, mua muối, mua vòng bạc,..
Người dân tộc hái rau cay về, bỏ vào thùng hay chậu to, không cần rửa nước lã, ssau đó giội nước đun sôi ngập rau, đậy kín lại, để đến hôm thứ ba là có thể lấy rau cay ra xào hoặc nấu canh ăn với cơm hoặc mèn mén. Rau cay lúc này ngả màu dưa muối, có vị hơi chua, mùi cay đắng nhằng nhặng rất lạ, rất trôi cơm. Bà con người dân tộc cứ ăn rau cay suốt cả bốn tháng như vậy mà không thể chán được. Rau cay cho họ sức khỏe lên nương rẫy, vượt đường vượt núi cả ngày tháng dài không mỏi. Thùng rau cay ngâm nước sôi có thể giữ tới mười ngày ăn dần, như người miền xuôi muối dưa chua, vẫ giữ được vị ngo, không sợ hỏng. Mỗi lần lấy ra lượng rau vừa đủ ăn, xong lại đậy kín thùng rau để dành cho bữa sau. Trong nhà người dân tộc, bê thùng mèn mén có thùng rau cay là họ yên tâm, không sợ bị đói.
Rau cay có thể biế tấu xào cay cùng dồi lơn, hay thịt bò, hoặc nấu canh thịt bò, gân bò, sườn thăn… cũng rất ngon và lạ.
Bánh lơ khoái chợ phiên Sà Phìn
Lang thang dạo quanh chợ Sà Phìn một buổi sáng, quán hàng bán đồ rán toả ra mùi thơm đầy mời gọi như níu chân du khách. Ở một góc nhỏ bên trái khu vực trung tâm chợ, quá bán bánh lơ khoái (còn gọi là lơ khoải) gây tò mò cho du khách bởi có rất nhiều trẻ em và người dân vây đến ăn.
Lơ khoái là món ăn chơi phổ biến vào mùa đông, nên khi có gió lạnh tràn về người ta mới bán nhiều trong chợ. Làm lơ khoái không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Bột bánh được làm chủ yếu từ gạo tẻ, cho thêm một ít gạo nếp để tạo độ dẻo thơm.
Gạo được chọn làm bánh là gạo nương Yên Minh, thứ gạo ngon nhất tỉnh Hà Giang, hạt to, tròn đều. Sau khi vo thật sạch, người phụ nữ Mông nấu chín gạo và đổ ra để nguội. Trước đây khi chưa có máy xay, người làm phải giã hạt cơm cho đến nhuyễn bằng cối rất mất công, nhưng nay chỉ cần cho vào máy xay là hạt gạo đã quyện lại đặc sánh. Sau khi có bột, người ta nén thật chặt vào khung bánh để tạo thành một khối bánh rắn chắc.
Khi có khách ăn, người bán hàng lấy con dao sắc thái 1 lớp bánh mỏng chừng hơn nửa cm, cho vào chảo dầu đang sôi để rán. Chừng 1- 2 phút sau là bánh chín, người bán xiên bánh vào que tre và đưa cho khách.
Đỗ tương và ớt sau khi rang cùng muối được xay hoặc giã nhỏ cho vào hai bát để bên cạnh, khách ăn tùy sở thích có thể cho vào ít hay nhiều, có thể có ớt hoặc không nhưng không thể thiếu vị mặn bùi của lớp đỗ tương bởi đó là một phần tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn. Chiếc bánh tuy đơn sơ, giản dị nhưng là món ăn chơi, ăn vặt vui miệng và quen thuộc của người vùng cao.