Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Du lịch đến các tỉnh Tây Nguyên bạn không chỉ tham quan các danh lam thắng cảnh đẹp mà còn trải nghiệm được cuộc sống của đồng bào các dân tộc như Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông… và thưởng thức những món ăn địa phương đặc sắc. Ngoài ra, khí hậu mát mẻ ôn hòa và con người thân thiện nơi đây sẽ níu bước chân du khách và mong một lần trở lại.
Phương tiện đi lại
Từ Hà Nội, Quý khách có thể đi máy bay từ sân bay Nội Bài đến sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Đà Lạt hoặc có thể đi xe khách từ bến xe Bát Giáp đến bến xe Đức Long Gia Lai hoặc Buôn Ma Thuột, bến xe Đà Lạt. Ngoài ra Quý khách cũng có thể di chuyển bằng phường tiện cá nhân.
Từ TP. HCM, Quý khách có thể đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Đà Lạt hoặc có thể đi xe khách từ bến xe Miền Đông đến bến xe Gia Lai hoặc Buôn Ma Thuột, bến xe Đà Lạt.
Để chủ động di chuyển trong tỉnh hoặc di chuyển sang các tỉnh khác của các Tây Nguyên các bạn có thể thuê xe máy.
Nên đi Tây Nguyên mùa nào
Quý khách nên đến Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4. Trong đó, tháng 12 và cuối tháng 2 đầu tháng 3 là thời điểm Tây Nguyên đẹp nhất. Tháng 12 không chỉ là mùa hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực trên các cung đường Tây Nguyên mà còn là thời điểm các vườn cafe vào mùa thu hoạch, quả cafe chín đỏ rực một góc trời. Cảnh tượng tuyệt vời đó, nếu đã nhìn một lần sẽ không bao giờ có thể quên được. Còn tháng 02 – 03 là thời điểm mà Tây Nguyên được miêu tả là “trắng trời cafe”, bởi đây là lúc hoa cafe bắt đầu nở trắng cả Tây Nguyên. Phải tận mắt chứng kiến vẻ đẹp thanh khiết này bạn mới thấy được một Tây Nguyên hòa toàn khác với tưởng tượng của bạn.
Những điểm nào nên tham quan khi đến Tây Nguyên
Khi đến Tây Nguyên thì thành phố Buôn Mê Thuột, Pleiku, KonTum, Đà Lat…là những địa điểm bạn không thể bỏ qua.
Buôn Mê Thuột: các điểm du lịch như Bản Đôn, Thác Dray Sap, Thác Dray Nur, Bảo tàng dân tộc Đăk Lăk, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Buôn Ako Dhong, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Công viên nước Đăk Lăk, Làng cafe Trung Nguyên, Bảo tàng dân tộc Tây Nguyên, bảo tàng cafe thế giới, chợ Buôn Mê Thuột…
Pleiku, Gia Lai: với các điểm như Biển Hồ (Hồ Tơ-nưng), Hồ Ayun Hạ, Thác 9 tầng, đồi thông Hà Tam, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ja Răng, đỉnh Hàm Rồng, Thủy điện Ialy….
Kon Tum thì có Cầu treo KonKlor (Làng du lịch Konklor), Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Nhà máy Thủy điện Ya Ly, Di tích lịch sử cách mạng KonTum, nhà thờ gỗ Kontum, cưỡi voi Bản Đôn, KDL Măng Đen…
Đà Lạt không chỉ níu chân du khách bởi không khí mát lạnh dễ chịu mà còn những thắng cảnh thơ mộng, hữu tình như Hồ Xuân Hương, Thung Lũng Vàng, Đồi Mộng Mơ, Thung Lũng Tình Yêu, Langbiang, Thiền Viện Trúc Lâm, Đường Hầm Đất Sét,… hay trải nghiệm trong các nhà vườn dâu Hiệp Lực, vườn dâu Biofresh hay Làng hoa Thái Phiên…
Tây Nguyên có lễ hội gì đặc sắc
Ở Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội đặc sắc tùy theo từng khu vực:
Buôn Ma Thuột: Lễ hội cà phê, được Thủ tướng chính phủ công nhận mang tầm vóc một lễ hội cấp Quốc gia, tổ chức định kỳ hai năm một lần. Tại đây, quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk là vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc dân tộc. Lễ hội nhằm tôn vinh cây cà phê.
Pleiku, Gia Lai: Lễ hội đâm trâu của người Ba Na là một lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam.
KonTum: người Gia Rai ở đây có hai lễ hội quan trọng là Benya (lễ cúng bến nước) và Hơk h’mô rôông râu (lễ mừng nhà Rông mới). Nhà Rông của người Gia Rai rất đẹp mắt, cao vút, lễ hội Hơk h’mô rôông râu-lễ mừng nhà Rông mới – đều có nghi lễ đâm trâu hiến sinh, có hai lễ thức khá đặc trưng là cúng rước đầu trâu lên nhà Rông và lễ thức trồng cây Pơlang ở sân nhà Rông.
Đà Lạt: Đà Lạt có lễ hội lớn nhất là Festival Hoa Đà Lạt, được tổ chức 2 năm 1 lần, vào các năm lẻ dịp cuối năm.
Khách sạn và ẩm thực địa phương
Khách sạn: Các bạn nên thuê khách sạn ở các thành phố lờn như Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Kon Tum, Đà Lạt để tiện cho việc thăm quan du lịch.
Ẩm thực: ẩm thực ở Tây Nguyên rất đa dạng, mỗi khu vực đều có những đặc sản riêng:
Buôn Mê Thuột: Bún đỏ, Bánh ướt thịt nướng, Bánh khọt, Bò nhúng; Bánh canh cá, Thịt Nai…
Pleiku, Gia Lai: Bún mắm nêm, phở khô, bún mắm cua…
KonTum, Đăk Lăk: Cá tầm măng đen, gà nướng măng đen, gỏi lá, cơm lam, nướng ống lô ô, cá gỏi kiến vàng, dế chiên, lá mì, thịt nhím, cá chua, rượu cần….
Đà Lạt: Nem nướng bà Hùng, bún bò, bánh ướt lòng gà, bánh tráng nướng…
Đến Tây Nguyên mua gì về làm quà
Bạn có thể mua rượu cần một thức uống “đặc sản” của đồng bào Tây Nguyên, Cơm lam, mật ong rừng hay các loại trái cây và hoa ở Đà Lạt để làm quà. Ngoài ra bạn cũng có thể mua những sản phẩm thủ công của người dân tộc.
Những điều lưu ý
Khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, trong đó tháng 3 và tháng 4 là hai tháng nóng và khô nhất.
Trước khi vào nhà của người dân tộc nên hỏi qua những tục lệ của gia chủ, không nên đường đột lên nhà gỗ vì có những tục lệ riêng biệt cấm kỵ của người địa phương.